HomeVăn hoá

Mất đi quyền làm chủ thời gian, văn hóa của người miền Nam bị biến đổi và mai một

[Nam Kỳ Kinh Tế Báo 1923] Một vài tư chất cần nhứt của người buôn bán
Người miền Nam có ‘nói ngọng’ không?
Cẩm nang ứng xử cho người Bắc khi chuyển vào sống ở miền Nam

Lịch sử của miền Nam trải qua nhiều cuộc thăng trầm và biến đổi thế nhưng tựu trung lại, văn hóa nông nghiệp và phố chợ kiểu cũ vẫn là nền tảng tạo nên tính cách, lối sống và suy nghĩ của người dân miền đất phương Nam.

Có thể nói rằng, nền văn hóa nông nghiệp truyền thống lâu dài đã giúp người Nam Kỳ hình thành và phát triển được cho mình một bản sắc rất khó có thể sao chép, nhưng đồng thời cũng rất dễ bị phá hoại, đồng hóa. Bản chất tự cung tự cấp của văn hóa nông nghiệp và khả năng thích nghi, sinh tồn cao giúp người Nam có thể sống khỏe mà không cần phải quá quan tâm nhiều về chánh trị cũng như tham gia sâu vào các chính thể. Trong không gian văn hóa nông nghiệp đó, gia đình và làng xóm đóng vai trò quan trọng hình thành nên cá tính của một con người, tình cảm gia đình, mối quan hệ họ hàng thân thích và xóm giềng gắn kết mọi người lại với nhau tạo nên một quần thể đồng chất về mặt văn hóa. Từ thuở khai hoang lập ấp, lập làng, người Nam giữ trong mình một tín ngưỡng thiêng liêng dành cho cửu huyền thất tổ, họ cũng kính sợ ông ba mươi, thành hoàng, thổ địa và ông Trời. Văn hóa tam giáo của người Nam là cốt lõi trong giáo lý của các tôn giáo nội sanh chánh thống sau này như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo, Cao Đài, Pháp Môn Tịnh Độ Phật Giáo. Người Nam yêu thương cỏ cây, vật nuôi trong nhà như mèo, chó, không hung tợn kiểu chủ chăn, họ chọn lối sống hòa mình với thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên trong chừng mực, ít nhất là cho đến khi người Pháp áp đặt chế độ cai trị thuộc địa. 

Không gian văn hóa nông nghiệp miền Nam đã giúp tạo ra những món bánh dân gian và các món ăn vô cùng đa dạng và phong phú, ở đó vai trò của những người phụ nữ trong gia đình là rất lớn. Họ dậy sớm chuẩn bị những bữa cơm cho gia đình, chế biến những món ăn ngon để làm ấm cúng hơn tổ ấm. Một nền nông nghiệp định canh, định cư ổn định hàng thế kỷ đã tạo ra một nền ẩm thực xứng đáng được tôn vinh ngang với ẩm thực Thái Lan. Người Nam với nhiều nguồn gốc sắc dân khác nhau được làm chủ vùng đất mới với những cánh đồng lúa rộng thênh thang nhờ chính sách “dinh điền” của chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Sau những hiểm nguy thuở ban đầu khai hoang, người Nam tận hưởng thành quả của mình với một không gian đủ rộng để phát triển những câu hò, điệu lý, những làn điệu đờn ca tài tử thấm đượm hồn thiêng sông núi trong những lúc nông nhàn. Văn minh lúa nước được phát triển rực rỡ cả trước, trong và sau thời kỳ thuộc địa theo những cách khác nhau mà không thể đo đếm bằng chỉ số GDP. Sự lên ngôi của lối sống trọng thương ở một số đô thị lớn đặc biệt là ở thời kỳ Pháp thuộc cũng không hề làm thay đổi bản chất nông nghiệp của xã hội miền Nam. Người Pháp mang rượu lạt, bánh mì đến để khai hóa nhưng càng khiến người Nam dù bên ngoài nói tiếng Tây, viết chữ Quốc ngữ nhưng lại càng ý thức giữ truyền thống của mình hơn. Văn hóa nông nghiệp khiến cho người Nam sống chậm và giữ gìn đủ lễ nghi phong tục ông bà để lại, họ làm đám giỗ cho ông bà cha mẹ hằng năm để giữ tròn đạo hiếu, ngày thường khó khăn nhưng vẫn phải no đủ ba ngày Tết, thôi nôi đầy tháng là dịp để người thân, hàng xóm cưng nựng em cháu, cầu mong sức khỏe và bình an. Đám cưới là dịp để mọi người trong họ hàng cùng xúm nhau góp công góp sức trang hoàng nhà cửa, cổng cưới, chúc phúc cho đôi lứa nên duyên vợ chồng, con người giao tiếp với nhau một cách chân thành, chất phác, ông bà dạy lễ nghĩa cho con cháu, giúp cho cấu trúc xã hội thu nhỏ ở phạm vi xóm làng luôn luôn tiếp nối không hề mai một. Người Nam làm chủ được miếng ruộng của họ, được sống tốt với nghề nông, để ruộng đất lại cho con cháu, con cháu chôn cất ông bà ngay trên chính mảnh đất của mình, sống không phụ thuộc quá nhiều vào tiền mặt, có nhiều thời gian để gìn giữ văn hóa của chính mình, chính là có được sự tự do, sự tự do đó của người miền Nam đã giúp họ vượt qua được thế kỷ 20 với nhiều cuộc biến động kinh khủng trên quê hương, trong khi người Nam ở thành thị phải bỏ nước ra đi vì kinh tế sụp đổ bởi những mưu toan chánh trị thì ở thôn quê, người Nam vẫn có thể sống vui dưới ánh đèn dầu qua những câu chuyện thời xưa ngoại kể, ngủ ngon giấc trong tiếng hát ru của mẹ. Nghèo khó, người ta cấy lúa qua lại để trả công cho nhau không tính tiền. Những tuồng cải lương dài 2-3 tiếng đồng hồ cũng được thưởng thức lúc nông nhàn, là món ăn tinh thần cho người miền Nam thời kỳ sau chiến tranh cho đến hết thập niên 90.

Chợ Tết xưa ở Trà Cú - Trà Vinh - Thập niên 90

Chợ Tết xưa ở Trà Cú – Trà Vinh – Thập niên 90

Làn sóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ nghĩa toàn cầu đã tác động tiêu cực đến văn hóa nông nghiệp mà điển hình là ở miền Nam. Nền kinh tế tiêu dùng ngày càng mạnh mẽ, nghề nông bị yếu thế bởi những chính sách tài khóa không biết vô tình hay hữu ý, nhưng rất bất hợp lý, đã đẩy những người nông dân với áp lực mưu sinh và mưu cầu cải thiện cuộc sống, vào làm việc ở những nhà máy công nghiệp, văn phòng, cửa hàng buôn bán. Người Nam từ chỗ làm chủ trên đồng ruộng của mình trở thành người làm thuê, họ rời xa quê hương của mình và hòa nhập vào một lối sống mới, lối sống đô thị nơi đồng tiền làm thước đo giá trị con người, họ thậm chí tự xét lại nguồn gốc và khinh chê chính văn hóa, nơi mình từng sanh ra và lớn lên. Người ta ăn Tết xưa cũng dài hơn Tết nay dù đời sống vật chất, phương tiện giao thông khi đó còn nhiều thiếu thốn. Những đám cưới ngày xưa rôm rả bà con họ hàng cùng nấu ăn, chuẩn bị mọi thứ giờ nhường chỗ cho những đám cưới được tổ chức một cách vội vàng và phần nào đó hơi…công nghiệp trong hai ngày nghỉ cuối tuần (bởi đa số ai cũng đi làm thuê hết), được thực hiện bởi dịch vụ nấu ăn và đãi tiệc, cổng cưới, bảng tân hôn, trang phục đâu đâu cũng na ná nhau, người ta quan trọng công việc và kinh tế hơn là tổ chức đám cưới sao cho ấm cúng, đúng bản sắc. Đó là chưa nói tới việc tổ chức đám giỗ, các ông chủ công ty, xí nghiệp của xã hội hiện đại lại không thích nhân viên xin nghỉ việc để đi đám giỗ người thân, vốn là một nghĩa cử rất cao đẹp trong văn hóa miền Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Một xã hội chuyển dịch từ xài lịch âm nhiều hơn lịch dương ở thập niên 80, 90 đến tận những năm 2005-2006 thành một xã hội mà người ta sẵn sàng dời ngày giỗ ông bà từ ngày thường sang thứ bảy, chủ nhật chỉ để phù hợp với lịch nghỉ của con cháu là một hiện tượng đáng buồn cho văn hóa miền Nam. Những người nông dân mất đất một cách bất đắc dĩ nhường chỗ cho những khu công nghiệp trong làn sóng công nghiệp hóa đã vĩnh viễn phải thay đổi một phần văn hóa của họ, sự đôn hậu, chất phác cũng mai một nhường chỗ cho nỗi lo cơm áo gạo tiền thường trực. 

Thời gian của chúng ta vốn dành cho gia đình, cho người thân, cho con cái, cho những lễ nghi truyền thống, cho một không gian sống vừa đủ, kinh tế vừa đủ, giờ đây đã mất đi một phần lớn, để dành cho những ông chủ nhân danh xã hội hiện đại, trí thức, văn minh, phát triển kinh tế, GDP đầu người v.v… 

Hãy biết quý trọng và giữ lấy mảnh ruộng của mình, vì còn mảnh ruộng là còn tự do. nếu đó là mảnh ruộng ông bà cha mẹ để lại thì còn thiêng liêng hơn nữa, vì chỉ có tự do mới giúp con người sinh tồn được trong thời kỳ khó khăn….

Hồ Văn Ham

BÌNH LUẬN

WORDPRESS: 1
  • comment-avatar
    Nguoi mien Trung6 months ago

    Văn hoá nông nghiệp có rất nhiều cái hay cần duy trì.