HomeLịch sử

Tướng Nguyễn Văn Hinh thất bại trong cố gắng tái lập trật tự cổ truyền của miền Nam

Tổ tiên nào? Ai là tổ tiên?
Đại Nam đổi thành Việt Nam và sự kết thúc nhanh chóng của Đế Quốc Việt Nam
Cạnh tranh vùng miền trong nội các VNCH – Sự bất mãn của người miền Nam

Tướng Nguyễn Văn Hinh là con trai của cựu thủ tướng Quốc Gia Việt Nam biệt danh “Hùm Xám Cai Lậy” – Nguyễn Văn Tâm. Ông là người Việt đầu tiên được phong cấp tướng của quân đội QGVN dưới thời Bảo Đại. Trong giai đoạn phôi thai của quân đội Quốc Gia Việt Nam với sự huấn luyện của người Pháp thì ông và những người Nam Kỳ khác như Dương Văn Minh, Lê Văn Tỵ, Trần Văn Đông v.v… đóng vai trò nòng cốt bởi quốc trưởng Bảo Đại ưu ái cho Sài Gòn làm thủ đô để vỗ yên giới tinh hoa Nam Kỳ biết nghĩ cho tương lai của toàn đất nước, chấp nhận bỏ phiếu để Nam Kỳ thay vì ly khai thành nước cộng hòa, nhập vô chánh thể Quốc Gia để trở thành một bộ phận cấu thành của nước Việt Nam độc lập, cổ truyền và không phải là một nền cộng hòa.

Tướng Nguyễn Văn Hinh một người tận trung với quốc trưởng Bảo Đại.

Tướng Nguyễn Văn Hinh một người tận trung với quốc trưởng Bảo Đại.

Những biến động của tình hình thế giới lúc đó đã khiến cho nền quân chủ lập hiến tiềm tàng do quốc trưởng Bảo Đại và các cộng sự đang dựng xây gặp phải một trở lực lớn đó là sự can thiệp trực tiếp của Mỹ, sau thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ. Mỹ đem ông Diệm về và gây sức ép với quốc trưởng Bảo Đại để bổ nhiệm ông này làm thủ tướng. Tuy nhiên giai đoạn đầu của ông Diệm không hề suôn sẻ, ông phải đối mặt với nhiều sự chống đối từ những thế lực đã có chỗ đứng ở Nam Kỳ trước kia, họ vừa chống cộng sản vừa chống Pháp và là đại diện cho bản sắc của người Nam Kỳ.

Cuộc họp mặt đầu tiên giữa Tướng Nguyễn Văn Hinh, các tướng sĩ để trình diện Tân Thủ Tướng Ngô Đình Diệm nói bằng tiếng Pháp với chư tướng sĩ: “Các anh trước kia là của quân đội Pháp. Giờ đây các anh là quân đội Việt Nam. Tôi sẽ tạo cho các anh tinh thần quốc gia để phục vụ quân đội Việt Nam.” Tướng Hinh cảm thấy bị xúc phạm nên không hài lòng. Tuy là người theo Tây học, có vợ Pháp nhưng Tướng Hinh nói tiếng Việt lưu loát.

  Tướng Nguyễn Văn Hinh là chổ dựa vững chắc về quân lực cho hai giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và lực lượng cảnh sát Bình Xuyên của Bảy Viễn. Những thế lực gốc Nam Kỳ này hoàn toàn không ưa Thủ tướng Diệm, mà lúc này đã nhận thẳng tiền viện trợ từ Mỹ không còn qua trung gian Pháp nữa. Ông Diệm thì sau khi đi Hà Nội thị sát về bèn nhận ra cái gai trước mắt là chính tướng Nguyễn Văn Hinh chớ không ai khác. Ông Diệm dần thuyên chuyển cho thay thế những người tâm phúc của tướng Hinh để bẻ ảnh hưởng, dĩ nhiên với sự trợ giúp của tướng Lansdale đang muốn đá Pháp ra gấp. Sau lưng Hòa Hảo là 1 triệu 500 ngàn người miền Tây. Sau lưng Cao Đài là trên 2 triệu người vùng Tây Ninh lan xuống Sài Gòn. Tướng Hinh cho đài phát thanh Quân Đội ngày đêm nói xấu Thủ Tướng Diệm. Ông Ngô Đình Diệm thấy vậy bèn cho vời Nguyễn Văn Vỹ vô dinh Gia Long bổ nhiệm Vỹ thay cho Hinh. Nguyễn Văn Vỹ trả lời: 

“Không thể ngang nhiên như vậy được. Trung tướng Hinh được sắc lịnh của Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm, chừng nào có sắc lịnh cách chức ông Hinh và bổ nhiệm tôi làm Tổng Tham Mưu Trưởng thì Tôi mới nhận đượ”. Cảm thấy mình không có quyền với Nguyễn Văn Vỹ, ông Diệm tiễn Vỹ ra về, không nói chi. Ông Ngô Đình Nhu lại gặp Trần Văn Đôn ngỏ ý muốn Đôn thay Hinh làm Tham Mưu Trưởng Quân đội. Đôn cũng từ chối. Ông Diệm lại thăng Lê Văn Tỵ lên Thiếu Tướng chờ cơ hội thay Tướng Hinh. Ngô Đình Diệm cho rải truyền đơn bằng tiếng Việt tố cáo với quốc dân đồng bào là Nguyễn Văn Hinh ăn cơm Tây, lấy vợ đầm, ăn chơi đàng điếm, ca lâu, trà đình tửu điếm, trác táng… chủ yếu kỳ thị chủng tộc của bà Nguyễn Văn Hinh . [Chép theo tiết lộ của Tướng Trần Văn Đôn trong Việt Nam Nhân Chứng]. 

Ông Diệm yêu cầu Bảo Đại cách chức Hinh. Ông Hinh thì xin Bảo Đại cất chức Diệm. Bảo Đại do dự không quyết định được. Ngày 10 tháng 9 năm 1954 Thủ Tướng Diệm yêu cầu Tướng Hinh đi Pháp để tu nghiệp. Tướng Hinh từ chối bèn thông báo với các giáo phái và Bình Xuyên. Trước tin chấn động tin này mọi người có thế lực gốc Nam Kỳ đoàn kết lại chuẩn bị chiến đấu một mất một còn với thế lực mới đang uy hiếp trật tự có sẳn. Đây là lúc các thành viên chánh phủ của ông Diệm đồng loạt từ chức để tỏ ra quan tâm đến tình hình bất mãn của người miền Nam. Ông Diệm nhận được sự ủng hộ vô giới hạn của 800.000 người Bắc di cư, đa số Công giáo. Tuy nhiên những đảng phái từ Bắc vào như Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhân sĩ trí thức Bắc Hà như Nhất Linh, nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Xuân Thiện, Phan Huy Quát v.v. thì lại là chuyện khác. Chưa đến lúc tranh hùng với nhau. 

Thủ Tướng Diệm tìm được sự hậu thuẫn vững chắc từ người Bắc di cư vì những lý do rất đơn giản, theo lời kể của Giáo sư Vũ Quốc Thúc, Cố Vấn Phủ Tổng Thống:   “Những kẻ di cư không thể nương tựa vào một thế lực nào khác ngoài chính quyền Bảo Đại – Ngô Đình Diệm: đương nhiên họ đã nhiệt thành ủng hộ ông Ngô Đình Diệm, chống lại âm mưu đả phá từ Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài và nhứt là của một số sĩ quan trước kia phục vụ trong quân đội Pháp. Họ đúng là lực lượng chủ yếu giúp cho ông Diệm thoát khỏi cuộc khủng hoảng uy quyền, đạt được sự viện trợ của Huê Kỳ để rồi ổn định tình hình và lập nền đệ Nhất Cộng Hòa”. Câu này tóm tắt tất cả những diễn biến phức tạp từ Hiệp Định Genève 1954 tới khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa được thành lập 1955.

 

Lời bàn: Một nửa sông Gianh, nửa Lũy Thầy! Trời bày chi cảnh đớn đau thay!

 

Bảy Viễn qua Paris gặp Bảo Đại nhân danh đại diện cho Cao Đài Hòa Hảo yêu cầu đức Quốc Trưởng bãi nhiệm Thủ tướng Diệm vì ông ta quá lộng hành. Vua Bảo Đại không đồng ý. Tướng Hinh chuẩn bị đảo chánh buộc ông Diệm ra đi bằng võ lực. Đáp lại ông Diệm và bà Nhu huy động lực lượng di cư Công giáo trung kiên đến chục ngàn người tràn đầy Sài Gòn để tạo uy thế. Bảy Viễn nắm Cảnh sát lấy cớ biểu tình không thông báo nên đến giải tán, xô xát xảy ra có người thiệt mạng. Hai bên coi nhau như khác chủng tộc, khác giống. Căm thù dâng cao giữa Công giáo Bắc kỳ di cư và Bình Xuyên Nam kỳ bổn địa. Hai phía hùn hục lửa giận thì tướng Hinh điều quân đội tới can thiệp. Trong khi đó thì những người như Bác sĩ Bùi Kiện Tín và ông Đỗ Mậu ủng hộ ông Diệm đến gặp phái bộ quân sự của Mỹ nói rõ tình trạng căng thẳng, cho biết Tướng Hinh là người của Pháp, Việt Nam thì chống Pháp. Nếu ông Diệm bị lật đổ thì người miền Trung, các quân nhơn miền Trung sẳn sàng tách ra thành một nước riêng, lập chiến khu chống lại tướng Hinh và rút ra khỏi Nam Kỳ. Được tin này Tướng Hinh cho bắt Đỗ Mậu. Đỗ Mậu chạy trốn vô nhà thờ của cha Nguyễn Văn Sở. Đỗ Mậu lúc này được ông Nhu bổ vào chức Đại Diện Đặc Biệt của Bộ Tư lệnh Đệ Nhị Quân khu, dưới quyền Trung tá Nguyễn Ngọc Lễ gốc Quảng Nam cùng là người Trung Kỳ như Đỗ Mậu. Giữa Trung Tá Lễ và Tướng Hinh có mối bất hòa từ trước. Về phần Mỹ thì Tổng thống Eisenhower muốn bỏ ông Diệm. Tướng Lansdale lại là bùa hộ mạng cho Diệm.

Tướng Hinh mang quân bao vây dinh Gia Long ngày 26 tháng 10 năm 1954 và kiểm soát đài phát thanh Sài Gòn. Tướng Pháp Ely gặp khẩn tướng Hinh và bảo: “Đừng làm gì. Nếu có sự nổi dậy gì, người Mỹ sẽ cắt mọi viện trợ tài chánh, và mọi đồ tiếp dụng cho quân đội’. Thật vậ, Washington sau khi cân nhắc, ông Diệm ở lại có lợi cho Mỹ hơn. Lansdale quyết định Hinh phải ra đi và tạo điều kiện chiêu hồi tướng Cao Đài Trình Minh Thế theo về với ông Diệm. Tình báo Mỹ đã biết trước ngày giờ Tướng Hinh đảo chánh nên 48 tiếng trước đó Thiếu Tướng Trình Minh Thế đã nghiêng về ông Diệm bỏ rơi Tư Lệnh Quân Đội là Tướng Hinh. Như chúng tôi đã tường trình bên trên, Lansdale đã nhúng tay vào thuyết phục Tướng Trình Minh Thế vì không thể nào hai ông Nhu và Diệm có thể làm được chuyện này khi mà Giáo chủ Cao Đài đang ở thế đối nghịch với hai ông Nhu Diệm. 

Tướng Hinh do dự đánh điện hỏi Vua Bảo Đại phải làm sao? Ông Bảo Đại bị áp lực mạnh bạo của Mỹ nên ông cho tướng Hinh biết là không nên có hành động võ lực đưa đến sứt mẻ của quân đội và tai họa cho dân tộc. Tướng Hinh tuân Thánh ý lên máy bay đi Pháp. Trước cửa máy bay ông vẫy tay hẹn ngày về. Sau khi Trình Minh Thế bị tử trận và Nguyễn Văn Vỹ qua Pháp chầu thì ông Bảo Đại lại ngầm phái Tướng Hinh trở về Việt Nam qua ngã Nam Vang. Tướng Hinh bắt liên lạc với Tướng Quốc Gia Lê Quang Vinh tự Ba Cụt và Đại Tá Dương Văn Đức. Đại Tá Đức lại thố lộ âm mưu cho ông Diệm và Mỹ biết. Lúc đó do tiền của Mỹ đổ hết cho ông Diệm lên tới 568 triệu dollars một năm (nhiều hơn Pháp nhận từ Mỹ 460 triệu dollars/năm) nên báo chí truyền thông ở miền Nam đều ca tụng ông Diệm. Mọi cố gắng của phe Bảo Hoàng đều không có kết quả vì đụng phải thế lực của Mỹ. Tướng Hinh thất bại trở về Pháp. Đến Pháp Tướng Hinh lại nhận lịnh của vua Bảo Đại trở về Việt Nam qua ngã Kampuchea bắt liên lạc với Hòa Hảo. Tướng Hinh không về Sài Gòn được vì lực lượng Bình Xuyên đã sụp đổ. Ngày 19/5/1955 Tướng Hinh lập bộ chỉ huy ở Sóc Trăng. Sự trở về của tướng Hinh không mang lại kết quả đáng kể cho phe Bảo Hoàng vì các tướng lãnh cao cấp trong quân đội Quốc Gia đã đánh hơi sức mạnh đồng tiền của Mỹ, ngôi sao ông Diệm đang lên, ngôi sao ông Bảo Đại đang xuống. Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố hôm 1/5/1955 là Mỹ công nhận Ngô Đình Diệm là người cầm đầu hợp pháp duy nhất của miền Nam Việt Nam. Tiền 568 triệu Mỹ kim/năm đi thẳng vào tay Ngô Đình Diệm, tiền có sức mạnh vạn năng.

Qua Pháp tướng Hinh tiếp tục binh nghiệp. Tướng Hinh sau được thăng chức Thiếu Tướng quân đội Pháp và làm Tham Mưu Phó Bộ Tư Lệnh Không Quân. Ông qua đời năm 2004. Thủ Tướng Diệm thành công huy hoàng nắm quyền tuyệt đối quân đội Quốc gia. Sau đó do sự yêu cầu của Thủ Tướng Diệm, người Mỹ trực tiếp nhận trách nhiệm huấn luyện đào tạo quân đội Việt Nam. Có nghĩa là quân lực Việt Nam chuyển từ tay Pháp qua tay Mỹ ‘huấn luyện’. An toàn hơn cho ông Diệm và tuyệt vọng cho ông Bảo Đại nói riêng. Người ta nói chung thì ai bị ảnh hưởng như thế nào tự có câu trả lời như thế đó. Đứng về phía ông Ngô Đình Diệm võ bị có các ông Lê Văn Tỵ, Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Nguyễn Chánh Thi, Trình Minh Thế, Nguyễn Thành Phương, Đỗ Mậu, Lâm Quang Thơ, Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Hữu Có, Trần Thiện Khiêm nên sức mạnh quân sự áp đảo. Văn bang thì có Trần Chánh Thành, Vũ Văn Mẫu, Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến, Lâm Lễ Trinh, Trịnh Xuân Ngạn, Trần Trung Dung, Nhị Lang, Huỳnh Văn Lang, Hồ Hán Sơn, Nguyễn Bảo Toàn theo phò. Người ta theo phò cụ Diệm vì họ mẫn thế, khôn ngoan biết Mỹ chuyển thẳng tiền viện trợ trên 500 triệu Mỹ Kim qua cho ông Diệm.

Ông Diệm, bằng sự can thiệp của Mỹ, đã tiến tới tiêu diệt những lự̣c lượng Nam Kỳ bản địa có tư tưởng trung Quân bảo hoàng đang như con cừu ngon trước mãnh hổ. Trong khi đó miền Bắc đang náo loạn, những người cộng sản tiến nhanh vào vùng Trung du, châu thổ sông Hồng, thành phố lớn nhỏ thu tóm cơ sở hạ tầng nhà cửa. Chưa đến mức đổ lệ. Chờ Cải Cách Ruộng Đất sẽ biết nước mắt pha máu mặn như thế nào

Lời bàn: Nước Việt trong Nam đã chuyển hẳn vào vòng ảnh hưởng của Mỹ từ lúc này. Vua Bảo Đại chắc đã hiểu rõ là không còn gì mà trông mong, chính ông không thể trở về được nữa. Về Việt Nam chắc không còn mạng luôn. Cái chết bí ẩn của Cựu Hoàng Duy Tân đang ám ảnh ông bởi vì Vua Duy Tân rất có thể bị chánh phủ Anh quốc ám sát. Ông Bảo Đại cho rằng khi ra lịnh cho tướng Hinh đi Pháp phụng mệnh là để cứu Hinh thoát chết, theo ông nói “người ” có thể giết Hinh. Chúng ta có thể hiểu ‘người ta’ là Mỹ hoặc Mỹ ra lịnh cho người của ông Diệm giết tướng Hinh. Cũng tốt, Tướng Hinh đi Pháp, ông là một người trung với vua tuy nhiên thời gian phục vụ cho Việt Nam không có để lại võ công nào hiển hách cả. Còn ông Đỗ Mậu thật quái lạ. Chức tước chẳng là gì cả lại muốn tách miền Trung ra lập quốc và lập chiến khu. Lý do tách miền Trung ra lập quốc lập chiến khu chỉ vì trung thành với Ngô Đình Diệm. Không nghe nhắc tới vì dân tộc đất nước. Thực tế là sau 8 năm hai ông Diệm Nhu cầm quyền thì ông Đỗ Mậu đã nhận ra mình phò sai chúa, chính ông đã tự sửa sai bằng cách cùng các tướng lãnh tham gia cuộc cách mạng tháng 11/1963 để chấm dứt chế độ nhà Ngô, tất cả được ghi trong cuốn hồi ký “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”.

Dr Võ Thanh Liêm

BÌNH LUẬN

WORDPRESS: 0